Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thành quả sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở Phú Lương

2020-08-20 07:58:00.0

 

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia(MTQG) xây dựng Nông thôn mới(NTM), đến nay huyện Phú Lương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điểm rõ nhất là bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đáp ứng phục vụ sản xuất và dân sinh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Chương trình MTQG xây dựng NTMđược huyện Phú Lương triển khai từ năm 2011. Khi đó huyện là địa phương khó khăn với nền nông nghiệp phát triển kém bền vững; công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển chậm; các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; môi trường ô nhiễm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao,…Trong bối cảnh đó, để thực hiện Chương trình này Huyện ủy, UBND huyện Phú Lương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các địa phương trên địa bàn huyện; ban hành các văn bản triển khai, tổ chức thực hiện, đồng thời tổ chức với tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn các nội dung về xây dựng NTM từ đó làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn và từng năm, trong đó xác định rõ mục tiêu, giải pháp để tổ chức thực hiện gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phú Lương chung sức xây dựng NTM”. Hàng năm, Ban Chỉ đạo huyện tổ chức kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình đối với các phòng, ban chuyên môn và các xã trên địa bàn huyện. Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hàng năm, giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 theo đúng kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Nâng cấp mở rộng tuyến đường liên xã Giang Tiên - Phú Đô - Núi Phấn(Phú Lương)

Được biết đến là địa phương có địa bàn rộng, đầu những năm 2011, xã Phẫn Mễ gặp nhiều khó khăn về đường giao thông, do phần lớn các tuyến đường là đường đất, bụi bẩn khi trời nắng, lầy lội vào mùa mưa. Tuy nhiên, từ khi triển khai phong trào xây dựng NTM thì vấn đề này đã được thay đổi rõ rệt. Ông Nông Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương chia sẻ: “Xác định Hội Cựu chiến binh phải gương mẫu đi đầu nên Hội đã tuyên truyền, vận động đến hội viên tích cực hưởng ứng phong trào bằng những việc làm cụ thể như: giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tham gia thực hiện tiêu chí về môi trường. Do vậy từ năm 2012 đến năm 2017, hội viên cựu chiến binh xã đã hiến 3.007 m2 đất và tài sản trên đất và đối ứng trên 700 triệu đồng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa và khuôn viên nhà văn hóa ở địa phương. Đến nay, trục đường liên xã, trục đường xóm của Phấn Mễ có bản được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đi lại thuận lợi”.

Tuyến đường Làng Cọ, xã Phấn Mễ đi Làng Ngòi xã Động Đạt đã được thay thế bằng đường bê tông năm 2019  từ nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, nhân dân đóng góp đối ứng và hiến đất

Theo số liệu tổng hợp giai đoạn 2011-2019, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM của toàn huyện Phú Lương là hơn 577 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Nhà nước hơn 260 tỷ đồng; Vốn tín dụng ưu đãi hơn 1,6 tỷ đồng; Người dân đóng góp hơn 269 tỷ đồng; Vốn tín dụng phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn hơn 5 tỷ đồng; Xi măng hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là 56.190 tấn; Nhân dân hiến trên 10 ha đất để thực hiện các dự án.
Đến hết năm 2019, huyện Phú Lương có 10/13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân đạt 17 tiêu chí/xã. Xã Tức Tranh xây dựng xã NTM kiểu mẫu đạt 14/19 tiêu chí và có 3 xóm đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến đó là: toàn huyện đã làm mới, cải tạo, nâng cấp 115 km đường trục xã, liên xã, đến nay 185/204 km đường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ gần 91%, tăng 70km so với năm 2010; 100% số xã có đường nhựa từ trung tâm huyện đến trung tâm xã; cải tạo, nâng cấp 350 km đường trục xóm, liên xóm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 689/853 km đường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ gần 81%, tăng 350km so với năm 2010.182 công trình thủy lợi và 153/163,3km kênh mương được kiên cố hóa hàng năm đảm bảo diện tích tưới, tiêu chủ động cho hơn 6.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động đạt 83,53% và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp tiêu chủ động đạt 100%.Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn huyện tăng từ 98,3% năm 2010 lên 99,95% năm 2019 trong đó, khu vực nông thôn tăng từ 98% năm 2010 lên 99,6% năm 2019. 

Trạm y tế xã Vô Tranh đạt chuẩn Quốc gia về y tế

Trong 10 năm qua, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng, sửa chữa 146 công trình trường học với tổng kinh phí 107.411 triệu đồng và đã có 41/53 trường đạt tỷ lệ 77% trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.Đầu tư xây dựng mới 13 nhà văn hóa xã; xây mới, cải tạo, nâng cấp 108 nhà văn hóa xóm, nâng số nhà văn hóa xóm đạt chuẩn lên 185/234 đạt 79%, qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân vùng nông thôn.
Với nhiều giải pháp tích cực trong việc xây dựng các mô hình sản xuất tập thể huyện đã có 35 Hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 34 Hợp tác xã đang hoạt động theo Luật hợp tác xã 2012; 40 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận; 39 làng nghề nông thôn được duy trì và phát triển, trong đó có 37 làng nghề chè. Đến nay, có 13/13 xã đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất. Thông qua các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm trên địa bàn, tổ chức ngày hội việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm đến các xã trên địa bàn toàn huyện số người có việc làm trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt từ 95% đến 98%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1.121 hộ nghèo chiếm 4,12%, hộ cận nghèo 2.442 chiếm tỷ lệ hơn 8,9%. 
Phú Lương được biết đến là địa phương có tiềm năng, lợi thế về cây chè, trong những năm qua cây chè được xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện. Hiện toàn huyện có hơn 3.8000 ha chè kinh doanh với sản lượng bình quân đạt trên 43.000 tấn chè búp tươi/năm, mang về giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Huyện cũng có 40 làng nghề chè truyền thống được công nhận với sản phẩm tiêu biểu của Làng nghề chè Tân Thái, Thác Dài xã Tức Tranh; Làng nghềchè Trung Thành, Liên Hồng xã Vô Tranh; Làng nghề chè Phú Nam xã Phú Đô... Nhiều sản phẩm đã được khách hàng trong cả nước biết đến và tin dùng, một số sản phẩn đã xuất khẩu đi nước ngoài. 

Thăm mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xóm Tân Thái, xã Tức Tranh

Năm 2019, xã Yên Lạc được công nhận xã NTM, đây là xã thứ 10 của huyện Phú Lương được công nhận, đánh dấu thời gian hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Với đặc thù là xã sản xuất nông nghiệp chủ yếu, cây chè chiếm tỷ trọng tương đối trong phát triển kinh tế của địa phương. Ông Trần Xuân Thụ, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, huyện Phú Lương cho biết:“Trên địa bàn xã có 2 Hợp tác xã, có 2 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap. Việc thành lập các tổ chức liên kết sản xuất thuận lợi cho quá trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất sản lương, giá trị, thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu nhập cho người dân”.
Ông Lê Văn Khánh, một người dân tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào xây dựng NTM của xóm Tân Thái, xã Tức Tranh khẳng định: “Phong trào xây dựng NTM đã giúp người dân ở Tân Thái rất nhiều từ việc thay đổi cách nghĩ, cách làm và nâng cao đời sống. Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ để phát triển kinh tế, hướng tới sản xuất chè hữu cơ và chè an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, đời sống của gia đình”.
Huyện Phú Lương phấn đấu đến hết năm 2020, xã Yên Ninh cơ bản đạt các tiêu chí về NTM. Số tiêu chí bình quân đạt 18,5 tiêu chí/xã, tăng 0,6 tiêu chí so với mục tiêu (17,9 tiêu chí/xã). Xã Tức Tranh đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và có 30 xóm đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu.Xã Phủ Lý, Yên Trạch phấn đấu mỗi xã đạt trên 15 tiêu chí. Các xã đã đạt chuẩn NTMgiữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới thực hiện theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh.
Kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM của huyện Phú Lương là rất quan trọng. Tuy nhiên, quan điểm của huyện xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, dài hạn, không có điểm dừng, giai đoạn sau nâng cao, tiến bộ hơn giai đoạn trước để nông thôn không ngừng phát triển, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.Xây dựng NTM phải tiến hành đồng loạt, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí, kế thừa, lồng ghép các chương trình, dự án, các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai thực hiện ở nông thôn, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Việc xây dựng NTM đảm bảo thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Để thực hiện theo đúng quan điểm và mục tiêu đề ra, tại các cuộc kiểm tra tại các xã về tiến độ xây dựng NTM,  ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Lương luôn nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào. Theo ông Hoàng Duy Hưng thời gian tới: “Các địa phương cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, giám sát của HĐND, điều hành của UBND, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân. Các địa phương kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã, đặc biệt là các đơn vị sau đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 có thay đổi về cán bộ, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên; tiếp tục tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành những tiêu chí chưa đạt, nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt”./.

Bài và ảnh: Văn Hùng



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2294462